Tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. 22 cuốn kim sách tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng và 10 kim bảo liên quan đã được trưng bày trong chuyên đề Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802 -1945). Những cuốn sách cổ có niên đại rất lâu đời nhưng lại được bảo quản rất tốt. Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ, được làm từ kim loại quý. Kim sách ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, hoàng hậu hay ghi công, phong tước, ban tôn hiệu cho hoàng thân, quốc thích... lời sách do hoàng đế soạn hoặc đại thần chấp bút. Kim sách vì thế không chỉ quý vì bằng vàng hay bạc mà còn quý về giá trị sử liệu.
Bìa sách vàng niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806)
Trang 1 và sách vàng niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806)
Trang 1 và sách vàng niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806). Sách gồm 9 trang, hai trang bìa trước và sau trang trí hình rồng mây, 7 trang ruột khắc sách văn
Quyển kim sách bạc mạ vàng niên hiệu Tự Đức thứ 35 (1882). Sách gồm 5 tờ, 2 bìa trước và sau trang trí hình phượng, 3 tờ ruột khắc sách văn.
Quyển kim sách bạc mạ vàng niên hiệu Thành Thái năm thứ 1 (1889)
Kim sách bạc mạ vàng niên hiệu Bảo Đại thứ 9 (1934)
Kim sách vàng niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1822)
Ấn Thái Hoàng Thái Hậu bảo bằng vàng, niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1822)
Kim sách vàng niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 1 (1841) và ấn vàng Thánh Tổ Nhân Hoàng đế chi bảo
Kim sách vàng niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806)
Hộp đựng kim sách bằng bạc thời Nguyễn
Theo các nhà nghiên cứu, nếu như ngay tại Huế - kinh đô của nhà Nguyễn, kim sách hiện còn khó tìm thì những hiện vật như vậy lại tập trung khá đầy đủ tại Hà Nội. Bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện được đánh giá vô cùng quý giá, có một không hai. “Dưới góc độ trưng bày được tiếp cận thì hầu hết kim sách kim bảo trong sưu tập đều xứng đáng là bảo vật quốc gia”, ông Nguyễn Quốc Hữu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
Kim sách bằng vàng niên hiệu Hàm Nghi thứ 1 (1885 ) Bảo tàng cho biết, một trong những hiện vật giới thiệu lần này là kim sách hoàng đế Minh Mệnh truy phong Chiêu Nghi Hồ Thị Hoa làm Thần phi. Kèm theo kim sách là ấn Chính hậu chi bảo. Khi 16 tuổi, bà được tuyển làm thiếp của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mệnh sau này. Một năm sau, bà sinh hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông, tức hoàng đế Thiệu Trị sau này. Sau khi sinh con 13 ngày, bà mất. Sinh thời bà là người nết na, đoan chính, hiền thục, hiếu kính nên cha mẹ chồng hết lòng yêu quý.
Ấn bạc mạ vàng "Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu chi bảo" Hoàng đế Hàm Nghi cho đúc cùng kim sách năm 1885 tôn Từ Dụ Hoàng thái hậu làm Từ Dụ Thái Hoàng Thái hậu. Vua Gia Long bấy giờ thương xót, lệnh cho khắp dân gian phải kiêng húy tên gọi của bà. Hàng loạt địa danh trong nước có từ “hoa” đã phải đổi tên và dùng chính thức cho tới tận ngày nay như: tỉnh Thanh Hoa, đổi thành Thanh Hóa, chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba… Không chỉ có thế, chồng bà (vua Minh Mệnh) sau khi lên ngôi 1 năm, cho đúc kim sách phong bà làm Thuận Đức Chiêu Nghi. Sau đó, lại phong bà lên Thần phi, kèm theo ấn vàng Chính hậu chi bảo. Suốt thời gian trị vì, hoàng đế Minh Mệnh có rất nhiều phi tần, nhưng vì tưởng nhớ bà nên vẫn bỏ trống ngôi chính cung. Trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung – Kim sách triều Nguyễn (1802-1945)” không chỉ phản ánh giá trị lịch sử mà nó còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm với tổ tiên, ứng xử với những người có công với triều đại nhà Nguyễn. Số lượng kim sách được ban ra, truy tôn, truy phong, dành cho bậc tổ tiên rất lớn. Điều này cho thấy nhà Nguyễn đặc biệt coi trọng chữ Hiếu. Đó là một truyền thống đạo đức mà đối với triều đại nào cũng đáng tôn vinh. |